Những Điểm Sáng Trong Nội Thất Công Trình Công Cộng Và Nhà Ở Tại Việt Nam

Tin Tức Kiến Trúc

19/04/2021
Những Điểm Sáng Trong Nội Thất Công Trình Công Cộng Và Nhà Ở Tại Việt Nam

Thời gian 5 năm Hội KTS Việt Nam (giai đoạn 2015-2020) là thời kỳ nở rộ của các thiết kế nội thất trên mọi lĩnh vực và thể loại công trình.

Nếu như trong nhóm các công trình công cộng dấu ấn sáng tác nội thất tập trung nhiều ở mảng công trình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, resort thì trong thể loại nhà ở, nhiều thử nghiệm mới dễ dàng biến thành hiện thực trong mảng nhà ở thấp tầng. Nói chung, so với các giai đoạn trước thì giai đoạn 2015-2020 bên cạnh sự phát triển của kiến trúc xây dựng, các thiết kế nội thất ở Việt Nam đã có nhiều cơ hội và được quan tâm đầu tư hơn ngay cả trong nhận thức của chủ đầu tư cũng như giới thiết kế – thi công. Được hậu thuẫn bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vật liệu nội thất, đặc biệt là tốc độ hội nhập, thương mại toàn cầu, các công trình công cộng ở Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ hơn, có nhiều điểm sáng mang tầm quốc tế đã xuất hiện. Bên cạnh đó mảng nhà ở nhỏ, thấp tầng từ đô thị tới nông thôn có bước phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng ở cả góc độ kiến trúc và nội thất.

Mảng công trình công cộng với sự lên ngôi của các dự án do tư nhân đầu tư

Ngoài các công trình đặc biệt mang dấu ấn Quốc gia như Nhà Quốc hội, Văn phòng Chính phủ,… có các điều kiện đặc biệt trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các hạng mục nội thất thì các thể loại công trình công cộng khác cũng được đầu tư một cách đồng bộ hơn các giai đoạn trước. Hãy cùng điểm qua một số công trình công cộng trên cả nước

Ghé thăm Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP HCM – KTS Nguyễn Trường Lưu, có thể thấy rằng việc đầu tư cho không gian nội thất của công trình này mới dừng ở mức độ thỏa mãn các yêu cầu về công năng. Vật liệu, kiểu dáng, màu sắc trong nội thất từ không gian cho tới đồ đạc chưa thực sự tương thích với kiến trúc mặt ngoài rất trẻ trung và hiện đại.

Cũng với ngôn ngữ tạo hình hiện đại từ ngoài vào trong, ở không gian nội thất của Nhà hát Sông Hương (Huế) – KTS Nguyễn Xuân Minh, việc sử dụng vật liệu hiện đại như nhôm, kính kết hợp với gỗ mộc, đá tự nhiên và đặc biệt là gốm truyền thống màu son men bóng đã đủ gợi chất đặc trưng của Huế mà không cần thiết phải có những trang trí rườm rà.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, công trình của KTS Nguyễn Hữu Nhất khiến người tham quan còn đôi chút luyến tiếc khi các tác phẩm giá trị được trưng bày trong các không gian và trên các bức tường một cách khá dễ dãi. Ngoài việc đầu tư cho hiện vật và hệ thống chiếu sáng, nội thất của công trình còn dừng lại ở mức khá khiêm tốn.

Với Trung tâm Hành chính – Chính trị quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) điểm đáng chú ý ở kiến trúc mặt ngoài cũng chính là điểm nhấn trong không gian nội thất, khu vực sảnh chính của công trình được tổ hợp thành một không gian thông tới 7 tầng nhà vừa là đầu mối giao thông chính tràn ngập ánh sáng tự nhiên vừa tạo được ấn tượng mạnh cho một cụm cơ quan công quyền. Các thành phần nội thất khác được trang bị ở mức đồng bộ.

Nói tới mảng nội thất công trình công cộng được đầu tư bởi ngân sách nhà nước, ta không thấy nhiều dấu ấn thật sự đậm nét trong thiết kế nội thất, bởi loại công trình này thường có ngân sách chỉ đủ cho phần xây lắp còn các hạng mục nội thất được quy về “mua sắm thiết bị” nên các KTS, nhà thiết kế nội thất cũng khó có điều kiện thể hiện các tác phẩm nội thất như mong muốn. Cũng phải nói thêm rằng ngay cả các quy định về cách tính thiết kế phí, phần nội thất công trình hiện cũng không được quy định rõ ràng, cụ thể.

Văn phòng Chính phủ

Trong bối cảnh đó, Văn phòng Chính phủ là một trường hợp đặc biệt, trải qua hai giai đoạn với hai đơn vị thiết kế nội thất là HTT (Việt Nam) và GMP Architect (Đức), công trình có sự pha trộn của cả hai phong cách tạm gọi là “truyền thống”: Nhiều chi tiết trang trí Việt Nam và phong cách tối giản của người Đức. Tuy nhiên, sau quá trình thi công, dường như phong cách tối giản ở giai đoạn 2 cũng được “hội nhập” cho hài hòa hơn với phần nội thất đã thi công ở giai đoạn 1. TTT và Siêu Chung Kỳ là những nhà thầu thi công nội thất chuyên nghiệp ở Việt Nam hoàn thành công trình này cũng như nhiều công trình quan trọng khác của đất nước. Cũng phải nói thêm rằng: Các không gian nội thất của công trình này được xuất hiện thường xuyên, liên tục trên truyền thông, truyền hình. Nó minh chứng cho tầm quan trọng của việc đầu tư vào nội thất của các công trình thể chế mang tầm cỡ quốc gia quan trọng không kém kiến trúc bên ngoài

Phòng hoà nhạc lớn thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – KTS Trần Thanh Bình

Sẽ là thiếu sót nếu không kể tới một công trình được đầu tư kỹ lưỡng và có chất lượng đẳng cấp quốc tế trong nội thất lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Đó là Phòng hoà nhạc lớn thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà chính tác giả – TS.KTS Trần Thanh Bình đã có hẳn một cuốn sách công phu riêng về công trình này. Dưới góc độ nội thất, khán thính giả trực tiếp dự các buổi hòa nhạc lớn tại đây mới cảm nhận chính xác nhất khi mà chất lượng âm thanh đỉnh cao chấp cánh thêm cho các giác quan khác. Có thể nói với công trình đặc biệt này, người thiết kế nội thất không chỉ dừng ở việc tạo hình hay trang trí, mỗi mảng tường, mặt trần hay sàn nhà đều được bóc tách, cân nhắc cho mỗi loại vật liệu phù hợp với các yêu cầu âm học cực kỳ khắt khe. Với công trình này, chúng ta tự hào có một không gian trình tấu của Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp quốc tế.

Bệnh viện là một thể loại công trình công cộng đặc thù, đa số các bệnh viện ở Việt Nam không được chú trọng, đầu tư cho không gian nội thất như các thể loại công trình khác, một phần bởi chi phí cho xây lắp và thiết bị cũng đã là một khoản đáng kể. Nội thất các công trình bệnh viện đáng lưu ý nhất gần đây là hệ thống Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec – Tư vấn VNCC. Với suất đầu tư cao, không gian nội thất của bệnh viện này được sử dụng bằng các vật liệu cao cấp, tạo ấn tượng sáng sủa, sạch sẽ và thân thiện. Đặc biệt, các phòng nội trú được thiết kế dưới dạng phòng khách sạn cao cấp với khu vệ sinh khép kín cùng các thiết bị và vật liệu đồng bộ. Ánh sáng tự nhiên và cây xanh được chủ động khai thác ngay từ khâu thiết kế đã tạo cho không khí của bệnh viện một cảm giác trong lành, tươi vui, có thể giúp làm giảm bớt được sự căng thẳng, lo lắng thường trực của người bệnh.

Phòng nội trú Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Phòng nội trú Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Nếu như trong mảng dự án được nhà nước đầu tư, việc có được sản phẩm nội thất phù hợp tương xứng với phần xây lắp công trình đã là điều đáng mừng; thì trong các thể loại công trình vốn doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án nghỉ dưỡng như: Khách sạn Resort cao cấp, mảng nội thất lại được đầu tư một cách kỹ lưỡng và có nhiều điểm nhấn.

Khu Nhà hàng biển tại Sandy Beach Resort của KTS Nguyễn Văn Tất với cách tổ chức không gian nội thất mở tận dụng tối đa tầm nhìn ra thiên nhiên, các chất liệu của biển cả được khai thác thành thục, đã tạo nên không khí thân thiện hấp dẫn của một nhà hàng biển trong khu nghỉ dưỡng cao cấp

Cũng cùng trong mảng khách sạn nghỉ dưỡng, gần đây, KTS Bill Bensley đã làm dậy sóng dư luận với các kiến trúc được cho là thiếu cân nhắc tới tính bản địa, nhưng ngược lại ở góc độ nội thất thì chính Bill là người khai thác văn hóa địa phương, tạo được nhiều tác phẩm nội thất tuy còn pha trộn và kết hợp đa văn hóa nhưng cũng đủ để nhắc nhở các nhà thiết kế Việt Nam về hai chữ “bản sắc”. MGallery Sapa là một ví dụ tiêu biểu. Lần đầu tiên, các họa tiết truyền thống của dân tộc Thái được tái hiện, nhấn nhá và làm nên dấu ấn chính của không gian mang sự trang trọng đài các từ châu Âu.

Nội thất nhà ở Việt Nam là thị trường rộng lớn cho các KTS thử nghiệm

Mảng nhà ở chung cư cao tầng giai đoạn 2015 – 2020 phát triển đạt tới đỉnh cao kể cả về số lượng và chất lượng chắc phải dành riêng trong một bài báo khác tập trung vào chuyên đề nội thất các căn hộ.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2016 và 2018 cùng giải Top 10 Houses 2020 là những minh chứng tiêu biểu nhất cho các thành tựu của kiến trúc, nội thất nhà ở nước nhà giai đoạn 2015-2020.

Nếu như công trình Làng Đất – KTS Hoàng Thúc Hào có kiến trúc và nội thất hài hòa dung dị với các vật liệu địa phương như tường đất, sàn gỗ…; thì hai năm sau, năm 2018, cùng mảng nhà ở nông thôn, công trình Bắc Hồng – Công ty CP thiết kế và xây dựng Lab concept đã mang lại những sáng tạo mới mẻ, các không gian ngôi nhà được bố cục phân tán vây quanh một sân trong, nhưng nó không rời rạc kiểu “House for Tree” của KTS Võ Trọng Nghĩa mà đạt được sự liên tục theo dòng chảy của công năng, thể hiện qua việc bố trí nội thất tinh tế và cẩn trọng trong một tổng thể tưởng như bất quy tắc và phóng khoáng.

Bên cạnh đó, “Nhà phễu” của KTS Đào Hưng, Nguyễn Sỹ Tuấn là một sự kết hợp các ngôn ngữ từ kiến trúc đến nội thất khá tinh tế, vừa mang hơi thở của kiến trúc hiện đại mà vẫn chứa đựng sự tế nhị và nhạy cảm rất Việt Nam trong cách ứng xử với cây xanh, đồ đạc và vật liệu nội thất. Các cấu trúc của nhà ở truyền thống như mái hiên, sân trong được khai thác và làm cho mới mẻ trong một chỉnh thể xinh xắn. Tỷ lệ vừa xinh mà vẫn phóng khoảng trong nhà ở Việt Nam truyền thống đã được tiếp nối mới mẻ trong công trình này.

Nếu như “Tổ khuyến nông” và “Cái hang gạch” như những “Ốc đảo” với tính hướng nội cao thì một thiết kế mới của tác giả Đoàn Thanh Hà (H&P Architects) là “Tropical Cave”, với sự quan tâm đặc biệt tới tiện ích của các không gian nội thất đã đem lại cho công trình này không chỉ là những quan điểm thiết kế mới mà còn đóng góp vào chất lượng ở cho ngôi nhà. “Hang nhiệt đới” là tên gọi có vẻ chưa hợp lắm cho ngôi nhà với thang máy và nhiều nội thất chỉnh chu

Không thể không nhắc tới “Thụy Khuê House“ của KTS Nguyễn Văn Thu như một ví dụ tiêu biểu cho quan điểm “thiết kế nhà ở là thiết kế nội thất” Có thể nói ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, ngách, coi như không mặt tiền này đã được tổ chức không gian bằng cách nương theo hình dạng khu đất, biến nhược điểm của một đường bao không mong muốn thành một tổ hợp đặc rỗng, phòng ở và các sân trong đã tổ chức một cách hài hòa, nhuần nhuyễn. Phải nói rằng các thách thức của địa điểm đã được nhóm tác giả biến thành cơ hội một cách nhẹ nhàng, ta không thấy sự lên gân – thể hiện như vẫn hay gặp trong nhiều công trình nhà ở đoạt giải. Thụy Khuê House tiêu biểu cho ngôi nhà ở đô thị Việt Nam đương đại đã vận dụng tốt được cách tổ chức không gian sống của nhà ở đô thị truyền thống nên ta thấy nó quen thuộc, thoáng đãng và thân thương.

Đáng chú ý trong giải thưởng “Top 10 Houses” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, các công trình nhà ở đạt giải dường như báo hiệu một xu hướng thiết kế nội thất nhà ở Việt Nam đương đại. Khi mà theo một cách khá ngẫu nhiên 6/10 công trình đều sử dụng giải pháp “chuyển vị cầu thang bộ”. Từ những ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp như 18 House – Khuôn Studio cho tới nhà kết hợp kinh doanh Cuckoo house – Tropical Space và Daughter house – Khuôn Studio, P&T house – SILAA +BHA, Tropica Cave House – H&P Architects hay nhà Hạ Long – Toob Studio đều có thể đặt chung một tên gọi “Ngôi nhà có nhiều cầu thang”. Khi mà giao thông đứng (cầu thang bộ) được tổ chức linh hoạt, chuyển đổi vị trí trên các tầng nhà góp phần biến đổi không gian ở tại mỗi cao độ. Việc kết hợp các thang bộ thoáng với giếng trời, cây xanh tạo nên những dấu ấn sinh động cho cả công trình. Những không gian “động” này được bố trí một cách uyển chuyển để nhường chỗ và tạo thuận lợi cho các không gian “tĩnh”. Trang trí nội thất không chỉ dừng lại ở việc tô đắp các bề mặt một cách cục bộ, nhỏ lẻ. Các công trình đều thể hiện quan điểm không gian kiến trúc nội thất hài hòa trong một tổng thể lớn với các tấm tường, trần, sàn sử dụng vật liệu tự nhiên, gỗ, gạch, đá… một cách phóng khoáng. Tuy tạo hình thể hiện trên mặt bằng bố trí nội thất biến đổi rất phong phú đa dạng nhưng đa phần các không gian chức năng đều được bố trí theo hướng tối ưu hoá công năng, không vì hình thức mà lơ là công năng. So sánh với một số công trình nhà ở từng đoạt giải trước đây, các nhà ở của Top 10 Houses đã tạo được những dấu ấn và thiện cảm trong tổ chức không gian nội thất, các ngôi nhà đều hướng tới chất lượng ở như một mục tiêu hàng đầu.

Với mong muốn xây dựng một mô hình nhà ở “mở” và “thở”, Ngôi nhà Sky House – MIA Design Studio đã hy sinh khá nhiều diện tích sử dụng để “thông lên trời” với việc tạo các khoảng sân vườn “nội bộ” cho từng phòng ngủ và kết nối với bầu trời theo phương thẳng đứng. Đây là một giải pháp quyết liệt và triệt để nhất so với các giải pháp tổ chức sân trong, giếng trời trong các ngôi nhà phố ở Việt Nam, khi mà ở các tầng điển hình, các diện tích “xanh” này tương đương với diện tích sử dụng. Kết nối với tự nhiên theo phương đứng thay vì kết nối ngang thông thường, mặt ngoài ngôi nhà là các khoảng đặc được trổ lồi, lõm để trồng cây xanh đã tạo ra ấn tượng thu hút và lạ mắt.

Thay lời kết

Tổng kết các thành tựu của nội thất Việt Nam trong 5 năm qua nằm ngoài mục tiêu và khả năng của bài báo này. Chúng tôi chỉ mong muốn rằng bằng những cảm nhận cá nhân, những thông tin biết được còn nhiều hạn chế để phác ra vài nét cơ bản trong tổng thể bức tranh lớn và đồ sộ của nội thất Việt Nam trong giai đoạn này. Chuyển mình từ sự bị động và có phần xem nhẹ của các bên liên quan ở các giai đoạn trước, giờ đây vấn đề nội thất đã được các chủ đầu tư và người ở coi là vấn đề trung tâm của môi trường sống mà họ đầu tư. Các KTS cũng có nhiều hơn cơ hội sáng tạo, thử nghiệm với sự chắp cánh của công nghệ và thị trường nội thất vô cùng phong phú. Các điểm sáng trong bức tranh muôn màu về nội thất Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, lớn hơn, song những định hình về một xu hướng hay phong cách nội thất Việt Nam vẫn còn chưa thật rõ nét. Người viết bài này hi vọng rằng nếu có điều kiện tổng kết thành tựu nội thất Việt Nam để thấy được đầy đủ và nhận diện được phong cách nội thất Việt Nam bên cạnh các phong cách nội thất của thế giới.

Vũ Hồng Cương

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)